Indonesia
Indonesia (tên chính thức: Cộng hòa Indonesia, tiếng Indonesia: Republik Indonesia; Hán Việt: Nam Dương), là một quốc gia nằm giữa hai lục địa Đông Nam Á và Châu Đại Dương. Indonesia gồm 13.487 hòn đảo và với dân số khoảng 237 triệu người, đứng thứ tư thế giới về dân số.
Indonesia là quốc gia có số dân theo Hồi giáo đông nhất thế giới; tuy nhiên trong Hiến pháp Indonesia không hề đề cập tới tôn giáo này. Indonesia theo thể chế cộng hòa với một bộ máy lập pháp và tổng thống do dân bầu. Indonesia có biên giới trên đất liền với Papua New Guinea, Đông Timor và Malaysia, ngoài ra giáp các nước Singapore, Philippines, Úc, và lãnh thổ Quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ. Thủ đô là Jakarta và đây cũng đồng thời là thành phố lớn nhất.
Bỉ
Bỉ (tiếng Hà Lan: België, tiếng Pháp: Belgique; tiếng Đức: Belgien), quốc danh hiện tại là Vương quốc Bỉ (tiếng Hà Lan: Koninkrijk België; tiếng Pháp: Royaume de Belgique; tiếng Đức: Königreich Belgien), là một quốc gia tại Tây Âu. Nước này là một thành viên sáng lập của Liên minh châu Âu và cũng là nơi đóng trụ sở của tổ chức này, cũng như nhiều tổ chức quốc tế lớn khác, gồm cả NATO. Bỉ có diện tích 30.528km2 và dân số khoảng 10.7 triệu người.
Là biên giới văn hoá giữa châu Âu German và châu Âu Latinh, Bỉ là ngôi nhà của hai nhóm ngôn ngữ chính, Flemish và người nói tiếng Pháp, chủ yếu là Walloons, cộng với một nhóm nhỏ người nói tiếng Đức. Hai vùng lớn nhất của Bỉ là vùng nói tiếng Hà Lan Flanders ở phía bắc, với 59% dân số, và vùng nói tiếng Pháp ở phía nam là Wallonia, với 41% dân số. Vùng thủ đô Brussels, có hai ngôn ngữ chính thức, là vùng chủ yếu nói tiếng Pháp gồm trong Vùng Flemish và là nơi sinh sống của 10% dân số. Một Cộng đồng nói tiếng Đức có tồn tại ở đông Wallonia. Sự đa dạng ngôn ngữ của Bỉ và những cuộc xung đột chính trị và văn hoá liên quan tới nó được phản ánh trong lịch sử chính trị và một hệ thống chính phủ phức tạp.
Hà Lan
Hà Lan, còn gọi là Hoà Lan (tiếng Hà Lan: Nederland), là một trong số bốn quốc gia cấu thành của Vương quốc Hà Lan, cương vực bao gồm Hà Lan bản thổ nằm ở tây bắc châu Âu và một số đảo ở vùng biển Caribe. Hà Lan bản thổ chiếm đại bộ phận lãnh thổ Hà Lan, phía bắc và phía tây giáp biển Bắc, phía đông giáp nước Đức, phía nam giáp nước Bỉ.
Hà Lan là một trong những quốc gia có mật độ dân số cao và nằm thấp nhất so với mực nước biển trên thế giới. Hà Lan có khoảng 27% diện tích và 60% dân số nằm ở khu vực có độ cao dưới mực nước biển.
Aruba
Aruba là một hòn đảo và quốc gia, đảo dài 32 km của Antilles nhỏ trong Biển Caribe, cách 27 km về phía bắc Bán đảo Paraguaná, Bang Falcón, Venezuela. Nó nằm trong Vương quốc Hà Lan, bao gồm phần châu Âu (Hà Lan) và phần châu Mỹ-Caribe (Aruba và Antille thuộc Hà Lan). Không giống như phần lớn khu vực châu Mỹ-Caribe, Aruba có khí hậu khô và đất đai khô cằn, nhiều xương rồng. Khí hậu này đã giúp ngành du lịch vì du khách đến đảo luôn có thể trông đợi thời tiết nắng ấm. Nó có diện tích là 193 km 2 và nằm bên ngoài vành đai núi lửa.
Caribe Hà Lan
Caribe thuộc Hà Lan (Caribisch Nederland, tiếng Papiamento: Hulanda Karibe) là tên gọi chung cho ba hòn đảo tự trị thuộc Hà Lan tại khu vực biển Caribe ở châu Mỹ là Bonaire, Sint Eustatius và Saba. Những đảo này còn được gọi là quần đảo BES. BES là từ viết tắt dùng để chỉ các chữ cái đầu tên trong tên của các hòn đảo. Từ 10 tháng 10 năm 2010, các hòn đảo này trở thành một bộ phận thuộc Hà Lan. Trước đó, các đảo là một bộ phận của Antille thuộc Hà Lan, nguyên là một quốc gia cấu thành của Vương quốc Hà Lan.
Bonaire (bao gồm cả đảo nhỏ Klein Bonaire) nằm về phía đông của Aruba và Curaçao, gần bờ biển Venezuela. Sint Eustatius và Saba nằm phía nam của Sint Maarten và phía tây bắc của Saint Kitts và Nevis. Ba hòn đảo có tình trạng chính trị như hiện tại sau khi Antille thuộc Hà Lan giải thể vào ngày 10 tháng 10 năm 2010. Tổng dân sốlà 18.000 người dân và diện tích là 328 km ² (127 sq mi) tương ứng với khoảng 1/1000 dân số và 1/100 diện tích của phần đất Hà Lan ở Châu Âu. Múi giờ là UTC -4; mã quốc gia là 599, dùng chung với Curaçao và Sint Maarten. Điểm cao nhất là Núi Scenery cao 877 m tại Saba, đây cũng là điểm cao nhất Vương quốc Hà Lan. Các đảo có khí hậu nhiệt đới quanh năm.
Curaçao
Lãnh thổ Curaçao ( / Cu-ra-xao; Curaçao, Land Curaçao; tiếng Papiamento: Kòrsou, Pais Kòrsou ) là một đảo quốc nằm vào phía nam của biển Caribe, gần bờ biển Venezuela. Nó hình thành một quốc gia cấu thành của Vương quốc Hà Lan. Thủ đô và thành phố lớn nhất là Willemstad.
Curaçao là đảo lớn nhất và đông người nhất trong nhóm đảo ABC (Aruba, Bonaire, và Curaçao) của Tiểu Antilles, nói riêng Antille Ngược gió. Nó chiếm 444 km2 đất. Vào đầu năm 2009, dân số là 141.766 người.
Sint Maarten
Sint Maarten là một trong bốn quốc gia cấu thành của Vương quốc Hà Lan. Trước ngày 10 tháng 10 năm 2010, Sint Maarten được gọi là Lãnh thổ Đảo Sint Maarten (Eilandgebied Sint Maarten) và là một trong năm lãnh thổ đảo (Eilandgebieden) của Antille thuộc Hà Lan. Nó bao gồm nửa phía nam của đảo Saint Martin. Theo điều tra dân số Antille thuộc Hà Lan năm 2001, dân số của Eilandgebied là 30.594 người. Dân số ước lượng chính thức vào ngày 1 tháng 1 năm 2009 là 50.300, tức mật độ dân số là 1.965 người/km². Các ngôn ngữ chính thức là tiếng Hà Lan và tiếng Anh. Một thổ ngữ giống tiếng Anh cũng được sử dụng.
Sint Maarten giáp với cộng đồng hải ngoại Saint-Martin thuộc Pháp, nó chiếm nửa đảo phía bắc.
Suriname
Suriname (phiên âm tiếng Việt: Xu-ri-nam), tên đầy đủ là Cộng hòa Suriname (tiếng Hà Lan: Republiek Suriname) là một quốc gia tại Nam Mỹ. Suriname toạ lạc giữa Guyane thuộc Pháp về phía đông và Guyana về phía tây. Biên giới phía nam chung với Brasil còn ranh giới phía bắc là bờ biển Đại Tây Dương. Biên giới cực nam với Guiana thuộc Pháp đang bị tranh chấp nằm dọc theo các sông Marowijne và Corantijn. Suriname là quốc gia có chủ quyền nhỏ nhất về diện tích ở Nam Mỹ. Đây là khu vực nói tiếng Hà Lan duy nhất ở Tây Bán Cầu không thuộc Vương quốc Hà Lan. Suriname cực kỳ đa dạng về chủng tộc, ngôn ngữ và tôn giáo. Diện tích quốc gia này gần 165.000 km². Quốc gia này có một phần tư dân số sống dưới 2 đô la Mỹ mỗi ngày.
Tên nước lấy tên sông Suriname, cũng có thể là tên của một bộ lạc ven bờ biển Caribe, không rõ ý nghĩa. Suriname nguyên là nơi cư trú của Thổ dân châu Mỹ. Năm 1593, là thuộc địa của Tây Ban Nha. Năm 1816, lại rơi vào sự thống trị của thực dân Hà Lan, gọi là "Guyana thuộc Hà Lan". Năm 1948, đổi tên là "Surina". Năm 1954, thực hiện chế độ tự trị. Ngày 25 tháng 11 năm 1975, tuyên bố độc lập, thành lập "Cộng hòa Suriname".