Ngultrum Bhutan

Ngultrum Bhutan
Nu
Ngultrum (དངུལ་ ཀྲམ, biểu tượng:Nu, mã: BTN) là tiền tệ của Vương quốc Bhutan. Nó được chia thành 100 chhertum (ཕྱེད་ ཏམ, được đánh vần là "chetrums" trên tiền xu đến năm 1979). Cơ quan Tiền tệ Hoàng gia Bhutan (Royal Monetary Authority of Bhutan) là cơ quan phát hành của tiền giấy và tiền xu ngultrum. Ngultrum hiện đang được ấn định neo tỷ giá ngang với giá trị đồng rupee Ấn Độ.

Cho đến năm 1789, tiền xu của thành phố Cooch Behar, Ấn Độ vẫn còn được lưu hành tại Bhutan. Sau đó, Bhutan bắt đầu phát hành đồng xu của riêng mình gọi là chetrum, chủ yếu đúc bằng bạc mệnh giá ½ rupee. Tiền xu đúc bằng bạc và đồng là những loại duy nhất được phát hành cho đến năm 1929, khi tiền xu mẫu mới làm bằng bạc với mệnh giá ½ rupee được phát hành, theo sau là tiền xu mệnh giá 1 paisa làm bằng đồng được phát hành năm 1931 (trên bề mặt ghi năm 1928). Tiền xu bằng niken mệnh giá ½ rupee được giới thiệu vào năm 1950. Trong khi tiền xu của Cooch Behar được lưu thông cùng với tiền xu của chính Bhutan, sự thập phân hóa đồng tiền được giới thiệu vào năm 1957, khi thế hệ tiền xu có đơn vị là naya paisa đầu tiên của Bhutan được phát hành. Đợt phát hành năm 1966 gồm có đồng 25 naya paisa, 50 naya paisa và 1 rupee, làm bằng chất liệu hợp kim đồng niken.

Khi chính phủ Bhutan bắt đầu phát triển nền kinh tế của mình vào đầu những năm 1960, quá trình lưu thông tiền tệ đã dẫn tới việc thành lập Ngân hàng Bhutan bằng một sắc lệnh hoàng gia vào năm 1968. Khi cải cách tiền tệ diễn ra năm 1974, 1 ngultrum được quy định chính thức có giá trị bằng 100 chhetrum. Cho đến nay, đồng ngultrum vẫn được giữ neo ngang giá với đồng rupee Ấn Độ.

Quốc gia